15/09/2022
Thực đơn tiệc cướiTìm hiểu các loại bánh hỷ ngọt ngào đầy ý nghĩa trong món ăn tiệc cưới Việt Nam
Trong văn hoá Á Đông xưa nay, hôn lễ được xem là chuyện hệ trọng, là dịp thể hiện nét đẹp truyền thống trong văn hoá của từng quốc gia. Các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đặc biệt chú trọng đến các vật phẩm xuất hiện trong ngày cưới ngụ ý về lời chúc phúc tốt đẹp, cầu mong hạnh phúc tương lai đủ đầy cho đôi vợ chồng son. Trong số các vật phẩm được dâng lên ngày thành hôn thì không thể bỏ qua chiếc bánh cưới - một món ăn tiệc cưới ngọt ngào đầy ý nghĩa. Trải dài khắp dải đất hình chữ S tại mỗi vùng miền lại nổi bật với một loại bánh hỷ đặc biệt, không những mùi vị thơm ngon mà còn mang ý nghĩa tốt lành gửi gắm đến đôi uyên ương trong ngày đại hỷ. Cùng tìm hiểu ý nghĩa cao quý cùng những loại bánh cưới nổi tiếng tại Việt Nam trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bánh hỷ - Sính lễ quan trọng trong văn hoá cưới hỏi Việt Nam
Người châu Á đặc biệt xem trọng những lễ nghi cùng vật phẩm xuất hiện trong ngày cưới. Luôn có những yêu cầu và quy định khắt khe vì những món vật này đều mang ý nghĩa riêng và đại diện cho cả một bản sắc Á Đông đã được lưu giữ hàng nghìn năm nay. Trong đó không thể bỏ qua nghi lễ “bưng quả" cùng món vật phẩm đặc biệt là những chiếc bánh cưới xinh xắn, mang hương vị ngọt ngào và nhiều ý nghĩa tốt lành.
Ý nghĩa của món ăn tiệc cưới ngọt ngào
Cho dù hôn lễ ngày xưa có đơn sơ hay đám cưới ngày nay có hiện đại như thế nào đi nữa, thì sự hiện diện của bánh cưới luôn là điều bắt buộc phải có trong dàn tráp lễ. Theo truyền thống cưới, trong mâm quả cưới hỏi sẽ bao gồm 6 món tròn vẹn 6 vị như sau: cay từ trầu, đắng từ rượu, thơm từ trà, tươi từ quả và không thể thiếu vị ngọt từ những chiếc bánh hỷ.
Bánh cưới còn được gọi là bánh hỷ, bánh đính hôn hay món sinh lễ. Sự đa dạng vùng miền cũng dần hình thành nhiều loại bánh cưới khác nhau, như miền Nam sẽ chuộng bánh phu thê, bánh pía, miền Bắc là bánh cốm, bánh đậu xanh hay miền Trung sẽ là bánh hồng. Các món bánh cưới truyền thống Việt Nam dù ở bất kỳ vùng miền nào đều mang sự chúc phúc và cầu mong cho cuộc sống vợ chồng hòa thuận, tràn đầy tình cảm trọn kiếp và luôn bền chặt không rời.
Tráp bánh cưới luôn được chăm chút cầu kỳ
Phân biệt bánh kem và bánh cưới truyền thống
Ngày nay khi nhắc đến “bánh cưới" đa phần mọi người sẽ hiểu nhầm hoặc phân vân giữa hai loại bánh là bánh kem và bánh cưới truyền thống. Hai loại này đều là món bánh sẽ xuất hiện trong hôn lễ nhưng lại có đôi nét khác nhau, cùng tìm hiểu sự khác biệt nhé!
- Bánh cưới truyền thống sẽ được dâng lên trong lễ ăn hỏi (ngày đính hôn) cùng dàn tráp lễ. Còn bánh kem sẽ có mặt trong ngày đãi tiệc, được phục vụ cho nghi lễ cắt bánh rót rượu.
- Số lượng bánh cưới truyền thống trong một tráp lễ luôn là số chẵn tượng trưng sự đủ đầy, cân bằng âm dương. Bánh kem trong tiệc cưới thườngcó 3 tầng thể hiện sự hoành tráng, là biểu trưng ý nghĩa cho câu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà" hoặc “phúc, lộc, thọ" theo văn hóa người Việt.
- Bánh cưới mang vẻ đẹp truyền thống Á Đông được lưu giữ qua nhiều thế hệ con cháu. Trong khi đó, bánh kem lại mang nét hiện đại, có nguồn gốc từ nghi lễ cắt bánh từ phương Tây.
- Bánh kem là bữa ăn đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của cô dâu và chú rể dùng để nếm trải vị ngọt ngào, mềm mại cho cuộc sống hôn nhân thêm gia vị hạnh phúc. Nhưng bánh cưới truyền thống tượng trưng cho niềm vui nên sau lễ sẽ được phân phát cho người thân bạn bè. Cô dâu chú rể thường sẽ không ăn bánh hỷ.
Mỗi loại bánh sẽ có nét đặc trưng riêng. Do đó, các đôi uyên ương hãy chú ý các điểm khác biệt nêu trên để không bị nhầm lẫn hai loại bánh này trong hôn lễ của mình nhé.
Khám phá các loại bánh cưới nổi tiếng không thể thiếu trong món ăn tiệc cưới truyền thống Việt Nam
Mỗi vùng sẽ có sự khác biệt giữa các món bánh nhờ vào nền văn hóa riêng biệt. Tuy vậy, một điểm chung của những món bánh cưới này chính là sự chúc phúc và ý nghĩa tốt lành mà nó mang đến cho cặp đôi mới cưới. Hãy cùng Gala Center tìm hiểu một chút về những chiếc bánh này nhé!
Bánh phu thê, Bắc Ninh
Bánh phu thê được xem là loại bánh cưới phổ biến và được ưa chuộng nhất trên cả đất nước Việt Nam. Loại bánh này là đặc sản làng quê Đình Bảng - Bắc Ninh, tượng trưng cho cả một giai thoại tình yêu đầy thâm tình của vua Lý Anh Tông cùng phu nhân của ngài trong thời loạn lạc.
Bánh phu thê, hay bánh xu xuê, theo tiếng Hán có nghĩa là vợ chồng. Đây là loại bánh đặc biệt vì sự hoàn hảo cả về hình thức lẫn hương vị, không chỉ biểu đạt sự thiêng liêng trong tình cảm phu thê mà còn mang đậm nét đẹp của người Việt Nam. Bánh phu thê được làm nên từ những nguyên liệu dân dã như đậu xanh, nếp vàng, hạt mè, cùi dừa … nhưng để hình thành một chiếc bánh vuông vức xinh xắn lại vô cùng cầu kỳ và phức tạp, phải chính tay những nghệ nhân tài hoa, những nhà làm bánh chuyên nghiệp mới đáp ứng được.
Thành quả của quá trình ấy chính là những chiếc bánh xanh mướt mắt cùng sắc đỏ cung hỷ của dây gói. Chiếc bánh tròn trịa hương sắc với vỏ bánh hình vuông dẻo mịn bao trọn lấy phần nhân ngọt bùi thể hiện sự chở che, e ấp của tình cảm vợ chồng, hòa thuận của đất trời, sự cân bằng hoàn hảo của âm và dương. Bánh phu thê trong mâm quả sẽ được đặt theo số lượng là 105, khi thành văn nói sẽ là “trăm năm", ý chúc lành cho hôn nhân trăm năm hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Bánh phu thê là món ăn tiệc cưới phổ biến bậc nhất Việt Nam
Bánh hồng, Bình Định
Loại bánh hỷ đặc trưng của miền Trung, với ý nghĩa đặc biệt cùng hương vị gây thương nhớ nên món bánh này rất được ưa chuộng tại các dịp hệ trọng như lễ, tết và đám cưới. Bánh hồng thơm ngon bật nhất phải kể đến trấn Tam Quan, Bình Định nổi tiếng được làm từ nếp Ngự trứ danh cho hương thơm và dẻo mịn đặc sắc.
Món ăn tiệc cưới này không như tên gọi của mình, khác với tưởng tượng về màu hồng thắm thì bánh hồng Bình Định thật sự lại có vẻ ngoài không mấy bắt mắt, chỉ độc nhất một màu trắng xoá từ bột nếp bọc lấy miếng bánh đục dẻo dính. Nhưng khi nếm thử sẽ khiến người ăn gật gù vì hương vị mộc mạc, thấm đẫm hương vị miền quê. Vị dẻo giòn sần sật từ gạo nếp làng Ngự kết hợp với vị ngọt thanh từ đường cát nấu chảy cùng hương thơm béo bùi từ dừa xắt sợi nổi tiếng phường Tam Quan đã tạo nên món bánh đơn sơ nhưng lại gây thương nhớ.
Người dân miền Trung thường trêu nhau rằng “khi nào cho tui ăn bánh hồng" ý tức khi nào thì cặp đôi thành hôn. Từ hồng trong món bánh này như mang sắc hồng thắm, mặn nồng không xa, mong sao cho tình cảm phu thê luôn dính chặt keo sơn không rời.
Tìm hiểu thêm: Sự độc đáo trong thực đơn tiệc cưới miền Trung
Bánh hồng mộc mạc vùng Trung Bộ
Bánh pía, Sóc Trăng
Bánh pía có nguồn gốc chính từ người Triều Châu, là món bánh Trung Thu cổ truyền trong văn hoá Trung Hoa. Đến sau này, bánh pía được nhiều người mang đến Việt Nam và tập trung sản xuất tại vùng Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay bánh pía Sóc Trăng nổi danh một vùng, là món quà quê đặc sản mà khi đã ghé thăm mảnh đất Sóc Trăng đều phải mua về làm quà.
Bánh pía lôi cuốn người thưởng thức bởi hương vị rất đậm đà đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Chiếc bánh với lớp da mỏng xốp hoà cùng phần nhân đậu xanh sầu riêng thơm ngậy và bùng nổ với lòng đỏ trứng muối mằn mặn, tất cả đã tạo nên một tổng thể không thể đặc biệt hơn.
Món bánh này thường xuyên được người miền Tây sử dụng cho dịp cưới hỏi của con cháu và bày biện đẹp mắt trong mâm quả. Với quan niệm rằng, bánh pía đại diện cho sự sum vầy, đoàn viên, sự ấm êm gia đạo, hình sắc tròn đầy nặng tay của từng chiếc bánh sẽ chúc phúc cho cuộc sống vợ chồng no đủ, hạnh phúc và gặp may phát tài.
Bánh pía đậm đà bản sắc người miền Tây sông nước
Bánh dày, Việt Bắc
Đến với cùng cao Tây Bắc, nơi sinh sống của các anh em dân tộc thiểu số với những phong tục quy củ lâu đời, vật dâng lễ tổ tiên hai họ ngày cưới luôn được xem trọng và món bánh dày chính là món bánh bắt buộc phải có mặt trong lễ vật cưới hỏi của người Tày. Bánh dày được làm khá đơn giản từ nguyên liệu chính là gạo nếp ngon luộc chín sau đó đem đi giã nhuyễn rồi nặn thành hình tròn vung đầy đẹp mắt. Bánh dày sẽ được chính tay các họ hàng bên nhà trai thực hiện, đây cũng là dịp xôm tụ khi anh em cô chú trong nhà cùng nhau quây quần, đắp nặn những chiếc bánh dày làm lễ vật cho chàng trai mang qua cầu duyên bên nhà gái. Chính chiếc bánh này đã phản ánh cả một nét văn hoá đặc trưng vùng cao mà ta ít khi được biết đến.
Bánh dày dâng lễ của người Tày sẽ được chia làm hai loại là bánh mẹ (péng me) và bánh con. Bánh con to bằng bát ăn cơm với nhân mè đen rang nguyễn cùng đường mật hoặc đậu xanh, còn bánh mẹ sẽ to gấp đôi hoặc gấp ba bánh con không nhân, nhưng lại cầu kỳ về hình thức hơn với lớp nước quả mồng tơi đỏ tía được quét trên mặt bánh cùng điểm chữ “phúc” hoặc chữ “hỷ” cho đại ý tốt lành ngày cưới.
Bánh mẹ được dâng một đôi trên bàn thờ gia tiên, còn bánh con sẽ được nhà gái yêu cầu số chẵn để phát một cặp cho mỗi người họ hàng tham dự lễ cưới. Bánh dày dâng cúng ra mắt tổ tiên để cầu mong vận may, sung túc dày dặn cho đôi vợ chồng đồng thời mang niềm vui, vụ mùa bội thu cho dân, cho làng. Bánh con dành tặng họ hàng ngụ ý san sẻ, hi vọng mọi người cũng sẽ có được hạnh phúc.
Bánh dày không thể thiếu trong lễ dâng hương cầu duyên vùng cao
Một vài lưu ý đối với bánh cưới mà các cặp đôi cần ghi nhớ
Biểu trưng cho cả một nền văn hoá truyền thống Á Đông, bánh cưới đặc trưng mỗi nơi đều mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, là sự gửi gắm những điều tốt đẹp và may mắn chúc phúc cho ngày thành đôi. Vì đây là lễ vật quan trọng nên các đôi uyên ương cần đặc biệt lưu ý những điều sau đây để không phá hỏng ý nghĩa và giúp hôn lễ tràn đầy ý đẹp hơn nhé!
- Cô dâu chú rể kiêng ăn bánh cưới: Khác với nghi lễ ăn bánh kem trong tiệc cưới. Bánh cưới truyền thống là món ăn tiệc cưới mà các cặp đôi sẽ phải kiêng dùng. Tập tục này xuất phát từ văn hoá cưới Trung Hoa xưa, khi bánh cưới được xem là đại diện cho sự thăng hoa, niềm vui và hạnh phúc. Nên nếu tân lang tân nương ăn bánh này đồng nghĩa với việc những lời chúc tốt đẹp sẽ bị tiêu tan, mang ý xấu cho cuộc sống hôn nhân sau này.
- Đặt bánh cưới theo số chẵn: Bánh kem có thể tùy ý đặt số tầng theo ý thích, nhưng bánh cưới xuất hiện trong tráp lễ luôn bắt buộc phải tuân thủ số lượng chẵn. Vì nó thể hiện sự đầy đặn, vợ chồng hòa thuận, âm dương cân bằng.
- Thời gian đặt bánh: nên chú ý thời gian đặt bánh phù hợp, không quá sớm sẽ ảnh hưởng chất lượng bánh không giữ độ thơm ngon, cũng không quá trễ sẽ khiến bạn không đủ thời gian để chuẩn bị chỉn chu. Cân nhắc tính chất và thời gian bảo quản của từng loại bánh cùng việc xác định số lượng bánh cưới ngay từ đầu để quyết định thời gian đặt bánh phù hợp.
Lời kết
Món ăn tiệc cưới trong văn hoá Việt Nam vô cùng phong phú và mang nhiều tầng ý nghĩa đặc biệt cho ngày thành hôn, đặc biệt là bánh cưới. Dù ở bất cứ thời điểm nào, dù có du nhập văn hoá phương Tây ra sao thì món vật phẩm ngọt ngào này vẫn giữ nguyên giá trị và nét đẹp truyền thống của riêng mình. Hy vọng với 5 món bánh hỷ được chia sẻ trong bài viết đã giúp các cặp đôi có thêm nhiều sự lựa chọn cho hôn lễ của mình. Nếu bạn mong muốn theo đuổi phong cách ẩm thực đậm chất truyền thống Việt Nam hãy đến với thế giới ẩm thực đầy lôi cuốn trong hơn 20 mẫu thực đơn nhà hàng tiệc cưới tại Gala Center. Không những thơm ngon và hấp dẫn, hương vị các món ăn tại đây sẽ vượt xa những gì bạn mong đợi. Truy cập ngay Gala Center để biết thêm thông tin chi tiết nhé!
Khám phá: Các món ăn truyền thống trong ngày cưới trên khắp thế giới
Bài viết liên quan
Cùng Gala Center, xem ngay những tip lựa chọn các món ăn hấp dẫn để tạo ra những thực đơn ngon, phù hợp ngân sách, đáp ứng khẩu vị của từng khách mời nhé!
Gala Center sẽ bật mí 5 cách giúp bạn nâng tầm thực đơn tiệc cưới cao cấp từ chất lượng món ăn đến mỗi chi tiết trong thực đơn đều được chăm chút.
Thực đơn đám cưới miền Nam là sự kết hợp hài hòa giữa các món ăn đậm đà hương vị quê hương. Cùng Gala Center khám phá các món ăn tiệc cưới miền Nam nhé.
Là một địa điểm lý tưởng có thể biến đổi đa dạng từ tiệc cưới, tiệc cá nhân ấm cúng, sang trọng đến những sự kiện công ty chuyên nghiệp, hoành tráng, Gala Center hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm vô cùng đặc sắc và thú vị.